Ngày Quốc tế Hộ sinh (05/5) được Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM) chính thức khởi xướng từ năm 1992 nhằm tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của đội ngũ hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò quan trọng của hộ sinh trong hệ thống y tế nhằm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, bảo vệ sức khỏe sinh sản và quyền lợi của phụ nữ; kêu gọi chính phủ và các tổ chức hỗ trợ phát triển đội ngũ hộ sinh, cải thiện điều kiện làm việc, đào tạo và chính sách nghề nghiệp. Từ đó đến nay, ngày 05/5 hàng năm đã trở thành ngày hội toàn cầu của những người làm nghề hộ sinh, được nhiều quốc gia hưởng ứng với nhiều hoạt động truyền thông, tôn vinh và giáo dục. Mỗi năm Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế sẽ đưa ra một chủ đề riêng cho Ngày Quốc tế Hộ sinh để tập trung vào các vấn đề cấp bách hoặc cần được nhấn mạnh. Chủ đề năm 2025 được lựa chọn là: “Vai trò quan trọng sống còn của Hộ sinh trong thiên tai, thảm họa”.
Thế giới hiện đang phải đối mặt với số lượng khủng hoảng chồng chéo chưa từng có - từ thiên tai, xung đột đến những tác động dai dẳng của biến đổi khí hậu. Những tình trạng khẩn cấp này ảnh hưởng một cách không tương xứng đến phụ nữ, trẻ em gái khiến họ phải đối mặt với những rủi ro gia tăng như biến chứng thai kỳ và bạo lực tình dục, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế nhận thức rõ các nữ hộ sinh luôn có mặt trong những thời khắc đầy thử thách này. Họ là những người ứng phó tuyến đầu được cộng đồng tin tưởng, có khả năng củng cố hệ thống y tế để trở nên kiên cường trước khủng hoảng. Các nữ hộ sinh có thể cung cấp tới 90% các dịch vụ sức khỏe tình dục, sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh và vị thành niên, ngay cả trong những bối cảnh nhân đạo phức tạp nhất.
Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hộ sinh năm 2025 sẽ được thực hiện với chủ đề “Vai trò thiết yếu của Hộ sinh trong thiên tai, thảm họa”. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, với mỗi năm trung bình xảy ra hàng chục đợt bão, lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất. Những năm gần đây, đặc biệt năm 2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu đã gây lũ lụt, sạt lở làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước ước tính trên 81 nghìn tỷ đồng. Những thảm họa tự nhiên này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh - những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh đó, đội ngũ hộ sinh đóng vai trò cực kỳ quan trọng và thiết yếu. Họ là những người có mặt ở tuyến đầu, ngay cả khi cơ sở hạ tầng y tế bị tàn phá hoặc dịch vụ y tế bị gián đoạn. Các hộ sinh không chỉ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh mà còn đảm nhiệm những nhiệm vụ sống còn khác như: Đảm bảo an toàn sinh nở trong điều kiện thiếu trang thiết bị; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ vị thành niên ngay cả khi lũ lụt, bão tố xảy ra; phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng thai kỳ hoặc nguy cơ đối với mẹ và bé; tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ trong tình trạng khẩn cấp, giúp họ vượt qua cú sốc tinh thần; phối hợp với các lực lượng ứng cứu và tổ chức nhân đạo để duy trì các dịch vụ y tế cơ bản cho cộng đồng. Vì vậy, Ngày Hộ sinh Quốc tế nhằm tôn vinh sự kiên cường, tận tụy và những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của đội ngũ hộ sinh Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Đồng thời, đây cũng là lời kêu gọi tăng cường đầu tư cho đào tạo, hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp hộ sinh, nhằm xây dựng một hệ thống y tế đủ mạnh để thích ứng với thiên tai, thảm họa trong tương lai.
Năm nay, khi chúng ta cùng kỷ niệm Ngày Quốc tế Hộ sinh, chúng ta hướng sự chú ý đến một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu: số lượng ngày càng gia tăng của các cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến cộng đồng trên toàn thế giới. Thiên tai, xung đột và biến đổi khí hậu đang tác động không tương xứng đến phụ nữ, trẻ em gái. Hộ sinh đóng vai trò sống còn trong việc ứng phó với khủng hoảng và chuẩn bị cho hệ thống y tế, bảo vệ sức khỏe và quyền của cộng đồng ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Họ làm việc ngay trong cộng đồng nơi mình sinh sống và được cộng đồng tin tưởng. Khi khủng hoảng xảy ra, hộ sinh là những người đầu tiên có mặt, cung cấp dịch vụ chăm sóc cứu sinh trong điều kiện nguồn lực hạn chế, phân phát vật tư thiết yếu và bảo đảm duy trì chăm sóc cho những biến chứng do khủng hoảng gây ra như bạo lực tình dục, sảy thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi được đưa vào kế hoạch ứng phó, các nhu cầu thiết yếu như sức khỏe kinh nguyệt, biện pháp tránh thai, sinh nở an toàn và chăm sóc phá thai toàn diện được ưu tiên và tiếp cận đầy đủ. Trong khủng hoảng, bản thân các hộ sinh cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ điều kiện làm việc không an toàn đến tình trạng thiếu trang thiết bị và vật tư y tế. Bằng việc đưa hộ sinh vào các cuộc thảo luận về chuẩn bị và ứng phó, chúng ta có thể vận động hiệu quả hơn cho sự bảo vệ, nguồn lực và sự sẵn sàng - cho chính chúng tôi và cho hệ thống y tế mà chúng tôi đang góp sức xây dựng.
Nhân dịp ngày Quốc tế Hộ sinh năm 2025, hãy cùng tôn vinh những đóng góp của các hộ sinh và cam kết vận động để bảo đảm sự tham gia của họ trong công tác chuẩn bị, lập kế hoạch và ứng phó với thiên tai, thảm họa và khủng hoảng. Cùng nhau, chúng ta có thể bảo đảm các hộ sinh được trao quyền để cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, quyền của phụ nữ, trẻ sơ sinh và cả cộng đồng trong mọi tình huống khủng hoảng.
|