Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 sẽ diễn ra từ 15/4 đến 15/5, tập trung vào chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".
AN TOÀN THỰC PHẨM – TRÁCH NHIỆM VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA TOÀN XÃ HỘI
An toàn thực phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn thể hiện trách nhiệm, đạo đức và sự văn minh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt tại bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cao hơn do tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Vì vậy, cần nâng cao ý thức – siết chặt kiểm soát để đảm bảo chất lượng bữa ăn hàng ngày cho người dân.
An toàn thực phẩm – Trách nhiệm của người sản xuất, quyền lợi của người tiêu dùng An toàn thực phẩm là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố ngày càng phổ biến, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của hàng triệu người dân. Tuy nhiên, đây cũng là những điểm dễ phát sinh nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Tháng Hành Động Vì An Toàn Thực Phẩm năm 2025 là dịp để nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm – hai mắt xích then chốt trong chuỗi thực phẩm an toàn.
I. ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG
- Chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định, có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng.
- Không mua thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, không có giấy phép, bán hàng rong không che chắn.
- Ưu tiên ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để lẫn sống – chín.
- Tích cực phản ánh khi phát hiện các cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tự trang bị kiến thức an toàn thực phẩm, bảo vệ chính mình và gia đình khỏi ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.
II. ĐỐI VỚI NGƯỜI SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
1. Quy định chung về an toàn thực phẩm
Áp dụng cho tất cả các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm:
- Nguyên liệu rõ nguồn gốc: Tất cả thực phẩm sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu hoặc bị biến đổi màu, mùi.
- Vệ sinh cá nhân: Nhân viên trực tiếp chế biến, phục vụ thực phẩm phải có giấy khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, mang đồ bảo hộ đầy đủ (khẩu trang, mũ, găng tay…).
- Trang thiết bị, dụng cụ hợp vệ sinh: Dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm phải sạch sẽ, không gỉ sét, được vệ sinh định kỳ.
- Khu vực chế biến – bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn: Phải phân khu rõ ràng giữa khu chế biến sống và chín, bảo quản thực phẩm đúng nhiệt độ.
- Xử lý rác thải đúng cách: Rác thải thực phẩm, nước thải phải được thu gom, xử lý theo quy định, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
2. Quy định riêng theo loại hình
2.1. Bếp ăn tập thể (công ty, trường học, bệnh viện…)
- Phải đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận/Bản cam kết cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Có hợp đồng mua bán thực phẩm với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh có tính pháp lý, đủ năng lực để kinh doanh thực phẩm.
- Lưu giữ đầy đủ phiếu giao nhận thực phẩm hàng ngày.
- Phụ gia thực phẩm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.
- Thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra các điều kiện ATTP và năng lực của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm 1 năm/1 lần được thể hiện qua biên bản.
- Có ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn đúng theo quy định từ 2448h để trong tủ lạnh.
- Đảm bảo suất ăn đúng số lượng, đủ dinh dưỡng theo từng nhóm đối tượng (học sinh, công nhân, bệnh nhân…).
2.2. Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, cửa hàng ăn uống...)
- Phải có giấy phép kinh doanh (trừ các cơ sở nhỏ theo quy định) và Giấy chứng nhận/Bản cam kết cơ sở đủ điều kiện ATTP.
- Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và đảm bảo an toàn.
- Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
- Thực hiện kiểm thực 03 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại, được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
2.3. Thức ăn đường phố
- Phải có Bản cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.
- Dụng cụ, xe đẩy phải sạch sẽ, có nắp che bụi, không bán sát nơi ô nhiễm (bãi rác, cống rãnh…).
- Sử dụng nước sạch trong chế biến, không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.
- Người bán phải đeo găng tay, khẩu trang, không hút thuốc, khạc nhổ trong khi bán hàng.
III. CHÍNH QUYỀN SẼ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA – XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM TRONG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ ATTP
- Từ ngày 15/4 đến 15/5/2025:
+ Thành phố Hà Nội, quận Long Biên và 13 phường đồng loạt tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể.
+ Ưu tiên kiểm tra cơ sở có nguy cơ cao: bếp ăn trường học, khu công nghiệp, suất ăn công nghiệp.
+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: không có hồ sơ nguồn gốc thực phẩm, bố trí bếp sai quy định, người chế biến không đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định, thiếu trang thiết bị bảo hộ,...
- Mức xử phạt (theo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội):
+ Từ 2.000.000đ đến 50.000.000đ tùy theo mức độ vi phạm.
+ Có thể đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng, gây ngộ độc thực phẩm.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 là dịp để người tiêu dùng nâng cao cảnh giác và kiến thức, đồng thời người kinh doanh – sản xuất thể hiện đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm!
Hãy cùng nhau xây dựng môi trường thực phẩm an toàn – văn minh – lành mạnh, vì một cộng đồng khỏe mạnh hôm nay và mai sau!
|