Hiện tại, tình hình dịch bệnh sởi tại Hà Nội đang có xu hướng diễn biến bất thường, khác so với các năm trước đây. Từ tháng 11 năm 2024 đến nay, Thành phố Hà Nội đã ghi nhận 436 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng với cùng kỳ năm 2023 (0 ca). Quận Long Biên đã ghi nhận 20 ca, trong đó 90% số trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Điều này chứng tỏ trong cộng đồng có thể đã và đang hình thành lỗ hổng miễn dịch, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát trở lại dịch sởi. Bệnh sởi có những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não,… có thể dẫn đến tàn phế, tử vong. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp và có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt đối với những trường hợp chưa được tiêm phòng đầy đủ. Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất.
Để chủ động phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và phòng tránh lây lan dịch bệnh trên địa bàn quận, người dân cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh của trẻ.
2. Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đúng lịch, bổ sung các mũi tiêm còn thiếu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
3. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà khi xuất hiện có biểu hiện nghi ngờ của bệnh như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban,…
4. Đối với cá nhân:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày, đặc biệt là người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
- Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung hợp lý vitamin, khoáng chất.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần thực hiện phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang,…
5. Đối với môi trường xung quanh:
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông thoáng khí hàng ngày.
- Vệ sinh bằng xà phòng hoặc chất tẩy thông thường từ 1-2 lần/ngày.
|