Ngành công tác xã hội ra đời tại Anh vào cuối thế kỷ 19 do cuộc cách mạng công nghiệp của nước Anh phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội trầm trọng. Vì vậy, cần có những chính sách, hoạt động giúp đỡ của Nhà nước và những người tham gia tình nguyện đã hình thành nên nghề công tác xã hội. Nổi bật nhất là sự ra đời của Hiệp hội các tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1869 tại Luân Đôn nước Anh. Những đóng góp của Hiệp hội các tổ chức từ thiện này đã đặt nền tảng cho hoạt động Ngành công tác xã hội chuyên nghiệp sau này. Hoạt động của Hiệp hội các tổ chức từ thiện bắt đầu từ Luân Đôn và phát triển rộng khắp nước Anh, su đó phát triển sang cả nước Mỹ dưới dạng Công tác xã hội sơ khai được thực hiện bở các nhà truyền giáo và tình nguyện. Vào năm 1877, Tổ chức từ thiện xã hội được thành lập tại Mỹ và đến năm 1898 Hiệp hội tổ chức từ thiện lần đầu được tổ chức tại Mỹ. Đến năm 1901, tại New York (Mỹ) trường Công tác xã hội đầu tiên ra đời. Từ năm 1955, Hội những nhân viên Công tác xã hội quốc gia được thành lập. Đến nay, có gần 100 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã công nhận nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, ngành công tác xã hội được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới. Trước đây, các hoạt động công tác xã hội được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, các thành viên làm công tác xã hội với tính chất tự phát. Tới năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nghề "Công tác xã hội" đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam. Đến ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp. Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Công tác xã hội trong ngành Y tế đóng vài trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân, thân nhân người bệnh, giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi và giảm bớt khó khăn trong quá trình điều trị. Xã hội càng phát triển càng cần đến công tác xã hội. Sự xuất hiện của nhân viên công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng là phương thức để mở rộng màng lưới chăm sóc sức khỏe đến với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình với những phương pháp thích hợp. Hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở y tế lại càng cần thiết hơn, là yếu tố cần được phát huy nhất. Sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến khám chữa bệnh.
Tại Trung tâm Y tế quận Long Biên, tuy chưa có bộ phận thực hiện các nhiệm vụ công tác xã hội riêng như tại các bệnh viện nhưng các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này đã và đang được triển khai tích cực từ khi thành lập đến nay. Hàng năm, Trung tâm Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ ban đầu các phường tổ chức tư vấn, khám sức khỏe, tặng quà cho người cao tuổi có bệnh, già yếu, khó khăn trong việc đi lại thuộc hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận (năm 2024 là 210 người); tham gia các hoạt động tình nguyện do quận tổ chức; khám sức khoẻ cho học sinh trường phổ thông cơ sở Hy Vọng; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của ngành, quận ủng hộ các quỹ như quỹ biển đảo, vì người nghèo, lụt bão, hội chất độc màu da cam Digoxin, trẻ em khuyết tật và hội thanh niên xung phong (năm 2024 với số tiền 209.298.000đ); thăm hỏi, tặng quà cán bộ, viên chức, người lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng/năm; tham gia các đợt hiến máu nhân đạo do Sở Y tế và UBND quận tổ chức (năm 2024 tham gia 02 đợt với 35 lượt hiến máu); khám sức khoẻ, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng của bão... Tại các Phòng khám đa khoa và Trạm Y tế phường luôn thực hiện tốt phong trào “Nụ cười bệnh nhân, niềm vui người thầy thuốc”; tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại đơn vị; thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm y tế và sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khoẻ của bản thân và gia đình. Những hoạt động trên đã góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn quận.
Để công tác xã hội trong ngành Y tế tiếp tục phát triển và mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường đóng góp nguồn lực để hỗ trợ bệnh nhân; người dân và cộng đồng nên tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, hiến máu nhân đạo, ủng hộ bệnh nhân nghèo; Ngành Y tế tạo điều kiện cho đội ngũ công tác xã hội được đào tạo chuyên sâu, nâng cao kỹ năng hỗ trợ bệnh nhân.
Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam, xin gửi lời tri ân đến những nhân viên công tác xã hội trong ngành y tế, những người luôn tận tâm vì sức khỏe và hạnh phúc của bệnh nhân. Hãy cùng chung tay xây dựng một hệ thống y tế nhân văn, nơi mọi người đều được quan tâm, chia sẻ và chăm sóc chu đáo.
|