NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH CÚM MÙA

Mùa xuân là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại du xuân, đi lễ đầu năm của người dân rất lớn, tạo nên nhiều khu vực tập trung đông người như các khu vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi; bên cạnh đó thời tiết rét, nồm ẩm tại Hà Nội hiện nay làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh Cúm.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ mắc và lây lan nhanh với các biểu hiện gồm: Sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Các tác nhân gây bệnh cúm mùa chủ yếu là các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Tại Hà Nội trong năm 2024 đã ghi nhận 7133 ca mắc cúm, tháng 1/2025 cũng đã có hơn 800 trường hợp mắc cúm được ghi nhận, không có ca bệnh tử vong.

Thông thường, người mắc bệnh cúm mùa có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi hay những người mắc bệnh tim, phổi, thận mạn tính, mắc bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,... thì bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Những trường hợp này cần thận trọng hơn trong phòng bệnh cúm và nếu mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Tiêm vắc xin cúm là một biện pháp chủ động để phòng bệnh, tuy nhiên vi rút cúm thường hay thay đổi kháng nguyên, do vậy chúng ta cần đi tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần. Tháng 9, 10 hằng năm được cho là thời điểm thích hợp tiêm phòng cúm, mục đích là để cơ thể có miễn dịch với bệnh này trước khi thời tiết chuyển sang mùa đông xuân.

Đối với phụ nữ mang thai nếu mắc cúm có thể gây dị dạng thai nhi, thai chết lưu hoặc đẻ non, đặc biệt là mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bởi vậy tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai là một biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Ngành Y tế Thủ đô khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

2. Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

3. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

4. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Ngày đăng: 06/02/2025
Thông tin liên quan
TTYT quận Long Biên thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão số 3 (Yagi)
Công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau cơn bão số 3 và các dịch bệnh khác trên địa bàn
Phòng, chống bệnh dại năm 2024
Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn
Tích cực tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết Dengue
Khuyến cáo phòng chống vi rút gây viêm phổi trên người (HMPV)
Phòng chống bệnh Sởi
Tích cực, chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh Sởi

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN LONG BIÊN

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Lô HH03 Khu đô thị Việt Hưng, Phường Giang Biên, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.36525095
Email: ttytqlb@hanoi.gov.vn
Copyright 2024 © trungtamytelongbien.vn
Thiết kế website bởi: quyquanganh@gmail.com - phone: 0983.219.993
Lên đầu trang
Xuống cuối trang