KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG VI RÚT GÂY VIÊM PHỔI TRÊN NGƯỜI (HMPV)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, số ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp thường tăng vào thời điểm mùa đông trong năm. Các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như: Cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp, vi rút metapneumo ở người (HMPV), một số loại vi rút đường hô hấp thông thường khác và phế cầu khuẩn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần gần đây và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường. Bệnh cúm mùa cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Mỹ và Caribbean, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia ở châu Á phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm này trong năm.

Hiện Trung Quốc, Ấn Độ và Kazakhstan đã ghi nhận nhiều ca nhiễm vi rút HMPV. Vi rút HMPV được xác định lần đầu tiên vào năm 2001, là tác nhân gây bệnh viêm phổi trên người. Hà Nội hiện nay cũng đang trong giai đoạn mùa đông xuân, điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan như Sởi, Cúm… trong đó có cả HMPV.

Đường klây truyền: Vi rút lây lan qua đường hô hấp qua giọt bắn khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện. Vi rút này tồn tại trong không khí, trên bề mặt đồ vật và có thể xâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc. Các biểu hiện thường gặp giống với cảm lạnh thông thường như sốt, ho, nghẹt mũi, khó thở hoặc có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Bệnh do vi rút HMPV thường gia tăng trong giai đoạn mùa đông xuân với điều kiện khí hậu khô lạnh, thời tiết gió mùa và các trường hợp dễ bị mắc bệnh thường là trẻ dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền với hệ thống miễn dịch kém.

Hiện nay, bệnh do vi rút HMPV gây ra chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như tăng cường bù nước, kiểm soát cơn sốt, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin chính thống từ Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân một số biện pháp cơ bản như sau:

1. Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Ngày đăng: 10/01/2025
Thông tin liên quan
TTYT quận Long Biên thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão số 3 (Yagi)
Công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau cơn bão số 3 và các dịch bệnh khác trên địa bàn
Phòng, chống bệnh dại năm 2024
Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn
Tích cực tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết Dengue
Phòng chống bệnh Sởi
Những điều cần biết về bệnh cúm mùa
Tích cực, chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh Sởi

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN LONG BIÊN

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Địa chỉ: Lô HH03 Khu đô thị Việt Hưng, Phường Giang Biên, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.36525095
Email: ttytqlb@hanoi.gov.vn
Copyright 2024 © trungtamytelongbien.vn
Thiết kế website bởi: quyquanganh@gmail.com - phone: 0983.219.993
Lên đầu trang
Xuống cuối trang