1. Tầm quan trọng của muối I ốt:
Thiếu I ốt ở nước ta là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng. Trong đó, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu I ốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu I ốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non; nếu thiếu I ốt nặng trong giai đoạn mang thai thì trẻ được sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu I ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng,... Ngoài ra, thiếu I ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi,...
2. Sử dụng muối Iốt trong bữa ăn hàng ngày:
Tất cả các rối loạn do thiếu I ốt kể cả bệnh đần độn hoàn toàn có thể phòng được bằng cách bổ sung một lượng I ốt rất nhỏ vào bữa ăn hàng ngày. Những thức ăn từ biển (cá, sò, rong biển) là nguồn thực phẩm giàu I ốt.
Hiện nay, biện pháp chủ yếu đang được áp dụng trong phòng chống bệnh là sử dụng muối I ốt trong bữa ăn hàng ngày và dùng dầu I ốt (đối với những vùng có tỷ lệ bướu cổ trên 30%) nhằm hạ nhanh tỷ lệ bướu cổ các đối tượng, đặc biệt ưu tiên trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ từ 15 - 45 tuổi, phụ nữ mang thai.
Top 10 thực phẩm giàu I ốt (và hàm lượng I ốt /100g thực phẩm đó):
1.Tảo bẹ: 1mg
2.Tảo tía (khô): 1800 μg
3. Rau chân vịt: 164μg
4. Rau cần: 160μg
5. Cá biển: 80μg
6. Muối biển: 2μg
7. Sơn dược: 14μg
8. Muối ăn có iốt: 7600μg
9. Cải thảo: 9.8μg
10.Trứng gà: 9.7μg
* Cách sử dụng tốt nhất:
- Sử dụng muối I ốt cũng giống như muối thường. Muối I ốt có thể dùng ướp thịt, cá, muối dưa cà, nêm thức ăn đang nấu trên bếp như bình thường, chứ không phải "bắc thức ăn xuống khỏi bếp rồi mới nêm" và vẫn đảm bảo lượng I ốt có trong thức ăn.
- Muối I ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn, nó được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn.
- Dùng muối I ốt hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng I ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu, không phải lo ngại bị cường giáp.
- Lượng I ốt được trộn vào muối an toàn cho cả người không thiếu I ốt.
Lưu ý:
- Không phải nạp càng nhiều I ốt càng tốt. Quá nhiều I ốt sẽ làm biến đổi chức năng tuyến giáp, hoặc tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp. Với trẻ nhỏ, lượng I ốt nhiều nhất là 800μg/ngày, người lớn là 1000μg/ngày. Hàm lượng I ốt tiêu chuẩn từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150μg/ngày, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tăng thêm 50μg/ngày. Vì vậy cần lựa chọn những thực phẩm giàu I ốt phù hợp.
- Những người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng muối I ốt vì I ốt sẽ khiến họ lồi mắt, run tay nhiều hơn.
- Muối I ốt dễ bị hỏng nên sau khi mua về và khi sử dụng cần để muối I ốt trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilông buộc kín.
- Muối I ốt là chất dễ bay hơi, do đó không nên rang muối I ốt.
- Không để muối I ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.
- Cần rửa sạch lọ đựng muối và phơi khô sau khi dùng tiếp đợt khác.
Sử dụng muối I ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày để cung cấp đủ nhu cầu I ốt cho cơ thể và phòng được các rối loạn do thiếu I ốt gây ra.
|