“Nước là nguồn cội của sự sống; ở đâu có nước thì ở đó có sự sống ”. Nước rất cần thiết cho cuộc sống của con người – nó chiếm 58 - 67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70 - 75%, nó tham gia vào chuyển hóa các chất trong cơ thể, tham gia điều hòa thân nhiệt, là môi trường cho các phản ứng trong cơ thể …Ngoài ra nước còn cần thiết trong nông nghiệp, trong xây dựng các công trình, vận tải thủy, thủy điện…
Trên trái đất 3/4 lãnh thổ là nước, nước trong các đại dương, ở biển, sông ngòi ao hồ, nước ở trong lòng đất…nhưng cũng có những vùng đất rất hiếm nước, đất biến thành sa mạc. Tuy nhiên nguồn nước sạch không phải dồi dào như chúng ta vẫn nghĩ. Trên thực tế có tới 97,2% nguồn nước trên trái đất là nước mặn, còn lại 2,15% là băng vĩnh cửu và chỉ có 0,65% là nguồn nước dành cho con người. Vậy mà hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng chúng ta thường xuyên nghe nói đến tình trạng nước đang bị ô nhiễm từ nhiều nguyên nhân như: nước ô nhiễm từ chất thải độc hại của các nhà máy; nước bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; nước ao tù bị nhiễm chất thải từ rác thải, chất thải gia súc; nước bị nhiễm bẩn từ các công trình vệ sinh không đạt tiêu chuẩn…Việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đã và đang tác động đến sức khỏe của từng gia đình và cả cộng đồng, nó có thể gây ra cho con người những bệnh dịch như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, giun sán, bệnh đau mắt hột…nguy hiểm hơn nó có thể gây ra những vụ đại dịch cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ảnh hưởng lớn đến cả một quốc gia như vụ đại dịch tả tấn công nước Anh năm 1848 - 1849 đã cướp đi sinh mạng của 70.000 người. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đánh giá tổng hợp của Bộ, hằng năm có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.
Khi đời sống xã hội tăng cao cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, sự tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, nguồn nước, con người, đời sống kinh tế xã hội… thì nguồn nước này vốn đã khan hiếm nay lại ngày càng thiếu trầm trọng hơn, con người đang thực sự đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong tương lai không xa và vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết.
Quận Long Biên là quận có diện tích lớn nhất và quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng thuộc Thành phố Hà Nội. Long Biên còn là quận nổi bật với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm trở lại đây với dân số là gần 350.000 dân, mật độ chung cư ngày càng tăng kéo theo các vấn đề về vệ sinh môi trường, trọng đó việc bảo quản nguồn nước sạch ổn định là một việc cần thực hiện thường xuyên. Trên địa bàn quận Long Biên có 04 Trạm cấp nước với công suất trên 1000 m3/ngày đêm. Chất lượng nước tại các cơ sở này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội giám sát thường xuyên theo tháng nên chất lượng nước ổn định theo đúng thông tư 41/2018/TT-BYT. Để đảm bảo chất lượng nước tại các hộ gia đình, chung cư, trường học,… chúng ta cần phải thực hiện một số việc sau:
Thứ nhất có hệ thống đường ống ổn định, không rò rỉ.
Thứ hai tại các bể chứa nước tập thể, khu chung cư, trường học phải đảm bảo sạch sẽ, bể chứa phải thau rửa thường xuyên 6 tháng/lần, nắp bể phải kín, có lưới chắn côn trùng.
Thứ ba việc sử dụng nước tại hộ gia đình cần phải thực hiện theo đúng quy định, vừa tiết kiệm và đúng mục đích.
Thứ tư sử dụng tất cả các chất tẩy rửa gia dụng tự nhiên, không độc hại, thân thiện với môi trường.
Hy vọng rằng, qua bài tuyên truyền này, tất cả mọi người sẽ có thêm những hiểu biết về tầm quan trọng của tài nguyên nước, nhận biết được vai trò và những hành động cần làm ngay hôm nay để bảo vệ nguồn nước quý giá này. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới người thân và những người xung quanh hưởng ứng Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường.
|