Hiện tại, tình hình dịch bệnh ho gà tại Hà Nội đang có xu hướng diễn biến phức tạp, năm 2024 tính đến hết tuần 16, toàn Thành phố đã ghi nhận 46 trường hợp mắc bệnh tại 20 quận/huyện/thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0 trường hợp mắc). Hầu hết người bệnh là trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Tại Quận Long Biên từ năm 2020 đến năm 2023 không ghi nhận trường hợp mắc ho gà nào nhưng từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 04 trường hợp mắc tại 04 phường Bồ Đề, Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, đều là trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Điều này chứng tỏ dịch ho gà đang bùng phát trở lại.
Quận Long Biên là đầu mối giao thương nhiều với các quận, huyện khác và điều kiện thời tiết hiện tại thuận lợi cho sự lây lan của bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp (viêm, bội nhiễm, suy hô hấp…) và các bệnh lý khác đường tiêu hóa.
Để chủ động phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và phòng tránh lây lan dịch bệnh trên địa bàn quận, người dân cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất.
2. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà khi xuất hiện ho, đặc biệt là ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài ít nhất 2 tuần, đặc biệt kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng sau:
- Nôn ngay sau ho, đỏ mặt, lưỡi thè dài, chảy nước mắt; có thể ngừng thở, tím tái.
- Mệt bơ phờ, người đẫm mồ hôi, chảy dài trong suốt, thở rít, thở gấp sau mỗi cơn ho.
3. Đối với cá nhân:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung hợp lý vitamin, khoáng chất.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần thực hiện phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang,…
4. Đối với môi trường xung quanh:
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông thoáng khí hàng ngày.
- Vệ sinh bằng xà phòng hoặc chất tẩy thông thường từ 1-2 lần/ngày.
|